world
cultural
heritage
MỸ SƠN

0963.412.068

world
cultural
heritage
MỸ SƠN

Sự kiện nổi bật
THÁP CỔNG VÀ CON ĐƯỜNG

17/06/2024

Tháp K trong mô tả vào đầu thế kỷ 20 như là tháp cổng, công trình mang phong cách kiến trúc của thế kỷ 12, trên bức tường phía bắc có treo bức tượng Brahmi ba đầu. Tháp K là một phế tích nằm lặng lẽ trong một góc rừng, nằm gần với điểm xuất phát của con người hiện đại khi muốn tiếp cận di tích nhưng hầu như không ai biết và nếu có biết thì cũng không đến vì không có đường đi. Tháp K có hai cửa đông và tây, toàn bộ phần mái đã sập, gạch đất đổ hết vào trong lòng tháp, leo lên đỉnh đống gạch đất này nhìn lên hai bức tường sẽ thấy các vết giống như vết vữa chảy dài xuống từ mép của hai viên gạch, hai bức tường của hai mặt bắc nam bị ép ngã dần ra phía ngoài, phát dọn cây cỏ xong nhìn dáng tháp K giống hai cánh tay đưa lên trời kêu cứu, bức tượng treo trên tường phía bắc rơi xuống đã được đem về treo trên tường tháp D1 sau khi D1 được khôi phục lại. Chỉ nói với nhau như thế, hiểu như vậy nhưng chưa có động tác khảo cổ thăm dò nào vì trong giai đoạn đó còn có quá nhiều việc trên mặt đất phải làm.

Năm 2017 các chuyên gia Ấn độ tiến hành trùng tu nhóm K, trước khi trùng tu người ta có các bước khảo cổ, lấy lại mặt bằng gốc, từ đó hai dãy tường thấp chạy song song hướng về phía khu E, F lộ ra. Lúc này tháp K được xác định không chỉ là một cái cổng mà còn có hai tường của đường dẫn. Cuộc khảo cổ của các nhà khoa học Việt nam năm 2024 tiếp tục làm lộ hai bức tường thấp chạy song song là hai bờ giới hạn của con đường mà ai đó gọi là: Con đường Hoàng gia.

Tháp K là tháp cổng. Từ đây có thể mờ mờ nhận ra nhân ảnh của đoàn người hành lễ. Họ từ kinh đô hay từ đâu đó ta không biết nhưng trong phạm vi hẹp ta biết nơi họ tập trung và ta cũng biết hành trình của họ để đến được nơi tập trung cũng chẳng dễ dàng gì. Khu đền nằm trong lòng thung lũng, bao quanh là núi, đoàn người đến Mỹ sơn bằng gì? Đồi núi và cây rừng làm cho xe đi không được, ngựa cũng không. Đoàn bộ hành quí tộc nối nhau đi, họ đi thật sự bằng đôi chân của mình chứ không sai người khác khiêng mình đi. Họ biết niềm tin tâm linh chỉ có được từ sự hành tu của mỗi bản thân. Để vượt qua đoạn đường này những suy nghĩ u ám đời thường trở nên nặng nề ghì chặt các bước chân. Những toan tính khác nhau của các phái quí tộc khác nhau rơi rớt dần trên các triền dốc. Họ đã bỏ lại vũ khí sát thương nhau bên ngoài thung lũng, hắc bạch bây giờ không còn nữa mà chỉ còn là các sinh linh đi tìm một sự an yên trong cõi tâm linh.

Qua tháp cổng. Xuống các bậc tam cấp là đặt chân trên con đường, người ta sẽ đi như thế nào trên con đường này? Ta cứ hay quen nhìn các bậc đại gia hay những người có quyền lực đến các đền chùa bằng xe sang và giày hiệu, họ cứ chạy xe vào sân chùa, nện gót giày đầy kiêu hãnh trên sân chùa, đi vào tận nơi, tháo giày cho tuỳ tùng giữ rồi bước vào làm lễ. Đến Mỹ sơn, qua tháp cổng, con người không còn sức mạnh quyền lực, không còn dù lọng, không võng khiêng, với đôi chân trần của người tu sĩ thực hành pháp tu Hạnh đầu đà họ lặng lẽ bước đi, những bước chân trần tiếp xúc trực tiếp với đất cát nóng lạnh, nhận ra được sự đau khổ của thể xác có thể giải phóng một khoảng bế tắc của tâm linh, ngàn năm trước đức Phật ở phương Đông, Socrates ở phương Tây cũng đã thực hành như thế trên các nẽo đường ấm lạnh cõi nhân gian.

Đoạn đường từ tháp K vào khu đền chỉ là một đoạn ngắn trong phép tu khổ hạnh khắc nghiệt bậc nhất của người Bà la môn, không có lý gì những người quý tộc cầm quyền phá vở luật đạo để thảnh thơi nằm trên võng vào tận chân đền. Vài trăm mét đi bộ với đôi chân trần, giảm thiểu tối đa nhu cầu vật chất, đầu trần không người che lọng, biết chấp nhận những gì đang có là đủ như một bài học để các nhà quý tộc cầm quyền cảm nhận được nỗi vất vả của con người khi tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống, những tạp niệm cũng từ đó mà bớt đần. Họ đi như thế với tâm hồn chân thật- đạo đức- mạnh mẽ- Họ hướng về cõi thần linh theo mỗi bước chân đi.

Con đường đến với thần linh ở Mỹ sơn đi về đâu? Mỹ sơn không phải là một ngôi đền mà là hệ thống các ngôi đền nằm ở các khu vực khác nhau. Có chăng con đường từ tháp K vào khu vực E, F có một điểm dừng, ở đó mở ra các hướng đi khác nhau: Hướng đi thẳng vào đền E1, hướng tách về nhóm G, nhóm A, nhóm B, C, D, nhóm L và cả nhóm H? Nếu thật như vậy còn có rất nhiều việc phải làm, càng làm càng tò mò khiến công việc mỗi ngày một hứng thú.

Những hướng đi- Đó là chuyện của ngày xưa trong trí tưởng tượng của con người thời hiện tại, một chút tưởng tượng cần thiết để không gian linh thiêng của Mỹ sơn thêm sống động, khách bộ hành thời hiện tại bớt đi cảm giác nhọc nhằn của cái nắng buổi trưa.

Không tưởng tượng nữa, bây giờ theo đoàn người đi thẳng vào khu E. Công trình đầu tiên đoàn người tiếp cận là E3, E3 được xác định là Mandapa có nghĩa là nhà tịnh tâm, ở đây đoàn hành lễ dừng lại, có thể họ sẽ ngồi xuống thiền định, quán chiếu lại công việc mình làm, tập trung vào bản thân và những công việc trong tầm tay của mình, ổn định cảm xúc, xác định lại lần cuối đã thật sự đủ tâm nguyện đến với thần linh chưa.

Tháp E2- Lại được nhận định là tháp cổng, nằm liền sau Mandapa E3. Như vậy sau một thời gian dừng lại ở E3 có người sẽ đi tiếp qua E2 rồi hành lễ trước đền E1 có người còn ngồi lại với các nỗi bất an còn tồn tại ở trong lòng. E2 là một cái cổng, qua nó con người tìm thấy được con đường lên núi Meru.

Tháp K là một tháp cổng, qua nó con người tiếp cận được cõi linh thiêng, cõi trời mênh mông, thần lại ở trên đỉnh của ngọn Meru huyền thoại, con người phải tiếp tục học tập, tu hành. Học cho đến cảnh giới cuối cùng của luật tu mới bước qua cổng thứ hai đến chân núi thần linh trú ngụ. Đến đây âm thanh linh thiêng “OM” đưa lời cầu nguyện lên đỉnh núi.

Việc xác định tháp K là tháp cổng giúp cho con người hiện đại hình dung được một đoạn hành tu của con người vào Mỹ sơn một ngàn năm trước, đoạn đường này chỉ dành cho người hành lễ, trong dòng người ấy có thể có cả chúng ta nên nếu có một ngày mưa hay một buổi trưa nắng cháy nào đó ta đi ở Mỹ sơn, đừng quan tâm đến những tác động ngoại thân, không còn nó ta sẽ thấy nhẹ nhàng như bước chân người tu sĩ đang di hành.     

Lê Xuân Tiến

17 Tháng 6,2024

VỀ THĂM LỄ CÚNG BÀ VÀ ĐÌNH MỸ SƠN THƯỢNG

19/06/2024

Nói đến Di sản văn hóa Mỹ Sơn không chỉ là quần thể kiến trúc đền đài cùng cảnh quan thiên nhiên độc đáo tại Khu di tích này. Văn hóa vùng đất Mỹ Sơn còn là chiều rộng không gian chứa trong đời sống văn hóa địa phương với những giá trị đặc sắc riêng. Nét đặc sắc này thể hiện yếu tố giao thoa văn hóa Chăm - Việt rất rõ nét. Trong đó có hội Khai Truông và lễ cúng đình Mỹ Sơn.

CHUYỂN ĐỔI XANH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

19/06/2024

Ngày 11.4.2024 Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đón đoàn thẩm định đánh giá Điểm đến du lịch xanh năm 2024. BQL Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đã đăng kí tự đánh giá điểm du lịch xanh ở hạng mục dành cho Điểm tham quan.

CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI THI ĐUA QUYẾT THẮNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN DUY XUYÊN GIAI ĐOẠN 2019 – 2024

19/06/2024

Sáng ngày 28 tháng 5 năm 2024, tại Trung tâm văn hóa Huyện Duy Xuyên, Phòng VHNT Dân gian Chăm Mỹ Sơn đã biểu diễn thành công chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua Quyết thắng Lực lượng vũ trang Huyện Duy Xuyên giai đoạn 2019 – 2024.